Hạ tầng hoàn thiện “mở lối” cho làn sóng đầu tư xây dựng các tổ hợp vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng mới đẳng cấp tại Phú Quốc. Đây là ‘chìa khóa’ để du lịch đảo Ngọc bứt phá mạnh mẽ thời gian qua, đồng thời tiếp tục hướng tới những mục tiêu xa hơn.
Nâng cấp hạ tầng và chuỗi dịch vụ
Cú chuyển mình ngoạn mục của Phú Quốc trong 5 năm trở lại đây có dấu ấn nổi bật từ việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông và sự xuất hiện của những công trình du lịch chất lượng. Năm 2019, du lịch đảo Ngọc tiếp tục ghi nhận tín hiệu tích cực từ 2 yếu tố này.
Đầu tháng 1, Casino Corona Phú Quốc chính thức đi vào hoạt động, đánh dấu sự xuất hiện lần đầu tiên tại đảo Ngọc của mô hình giải trí “thời thượng” Casino - ngành công nghiệp đã đem lại lợi nhuận rất lớn cho các quốc gia như Macao, Hongkong, Hàn Quốc hay Singapore… Đây cũng là casino đầu tiên thí điểm cho người Việt vào chơi tại Việt Nam, bổ sung vào chuỗi hoạt động giải trí hấp dẫn nơi đây.
Casino là mảnh ghép tiếp theo trong bức tranh du lịch của đảo Ngọc đang ngày một trở nên đặc sắc và cuốn hút du khách. Bên cạnh du lịch tâm linh, tour khám phá sản vật địa phương, trong chuỗi dịch vụ giải trí, nghỉ dưỡng, nếu như Bắc Đảo có Casino, Safari, khu trung tâm ở thị trấn Dương Đông là thủ phủ của của chợ đêm, phố ẩm thực, quán bar sôi động… thì Nam Đảo nổi lên là điểm đến của khách hạng sang với một loạt dự án nghỉ dưỡng cao cấp như JW Marriot Phu Quoc Emerald Bay, Premier Village Phu Quoc Resort... Và không thể không nhắc đến khu vực quần đảo An Thới với Cáp treo Hòn Thơm dài nhất thế giới đang dần trở thành biểu tượng mới của du lịch Phú Quốc.
Cuối năm 2019, Phú Quốc sẽ vận hành khu công viên nước hiện đại trên đảo Hòn Thơm thuộc tổ hợp Sun World Hon Thom Nature Park, đồng thời, dự án shophouse phong cách Địa Trung Hải Sun Premier Village Primavera cũng sẽ chính thức hoạt động mang đến dịch vụ đa dạng đáp ứng nhu cầu dòng khách hạng sang đổ về Nam Đảo.
Phú Quốc hiện đón hàng triệu du khách mỗi năm, nhưng để có được con số ấn tượng này không chỉ có đóng góp của những hệ sinh thái giải trí nghỉ dưỡng tỷ USD mà còn phải kể tới ‘cuộc cách mạng’ về hạ tầng những năm gần đây.
Chính các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm như Cảng biển quốc tế An Thới, dự án mở rộng nhà ga Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, trục giao thông Bắc - Nam, đường cáp điện ngầm xuyên biển… đã giúp Phú Quốc “trải thảm” đón khách thập phương ghé thăm cũng như mời gọi thành công các tập đoàn BĐS, du lịch hàng đầu Việt Nam đến đầu tư tại đây.
Hiện mỗi ngày, Cảng HKQT Phú Quốc đang khai thác khoảng 100 lượt chuyến hạ - cất cánh. Tính trong năm 2018 có 3,2 triệu hành khách đi qua Cảng. Nhưng theo điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT hàng không, sân bay Phú Quốc được xác định sẽ mở rộng công suất dự kiến 4 triệu khách/năm giai đoạn 2020 và 10 triệu khách/năm giai đoạn 2030.
Lộ trình này có cơ sở khi các hãng hàng không đang lên kế hoạch tăng chuyến và mở mới đường bay tới Phú Quốc. Đơn cử như mới đây, Vietjet Air cho biết sẽ mở 4 đường bay tới Phú Quốc gồm 2 đường bay nội địa Phú Quốc - Đà Nẵng, Phú Quốc - Vân Đồn với tần suất 7 chuyến khứ hồi/tuần từ cuối năm nay và giữa năm sau. Hai đường bay quốc tế mới Phú Quốc - Thành Đô (Trung Quốc), Phú Quốc - Trùng Khánh (Trung Quốc) sẽ được khai thác 3 chuyến khứ hồi mỗi tuần từ cuối năm 2019.
“Thăng hạng” thương hiệu điểm đến
‘Bừng tỉnh’ sau nhiều năm, Phú Quốc đã ghi dấu trên bản đồ du lịch Việt bằng các sản phẩm dịch vụ ấn tượng, qua đó đạt tốc độ tăng trưởng lượng khách và doanh thu đáng kinh ngạc.
Thống kê từ 2015 đến năm 2018, khách du lịch tới Phú Quốc đã tăng trưởng tới 338% (từ 913.000 lên hơn 4 triệu lượt/năm). Năm 2019, chỉ sau 8 tháng, huyện đảo này đã đón 3,4 triệu khách, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xấp xỉ 500 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 31,3% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch đạt 5.250,9 tỷ đồng, tăng trưởng tới 93% so với số cùng kỳ và chiếm 91,5% doanh thu du lịch cả tỉnh Kiên Giang.
Tăng trưởng là vậy song theo các chuyên gia, tiềm năng Phú Quốc vẫn vô cùng to lớn và chưa được khai thác xứng tầm. So sánh với thiên đường nghỉ dưỡng khu vực như Bali, Phuket, Phú Quốc có cảnh sắc thiên nhiên tuyệt mỹ chẳng kém cạnh nhưng lượng khách và số phòng lưu trú thua xa, mức độ chi tiêu du khách còn khiêm tốn.
Hay đặt cạnh một đối thủ ngang tầm hơn là đảo Bocaray của Philipines, Phú Quốc cũng đang ngậm ngùi đứng sau. Để đến với Bocaray, đa phần du khách phải quá cảnh tại thủ đô Manila, bay tới một hòn đảo lân cận và sau đó di chuyển bằng thuyền tới đây. Hạn chế về hạ tầng vì diện tích nhỏ bé, nhưng Bocaray vẫn đang là “át chủ bài” của du lịch Philippines. Theo dữ liệu từ Tổng cục Du lịch Philippines, có khoảng 1 triệu du khách nước ngoài tới Boracay trong tổng số 6,6 triệu du khách tới nước này vào năm 2017.
Nhìn nhận tương quan so sánh với các điểm đến hàng đầu này, Phú Quốc hoàn toàn có tiềm năng và thế mạnh để bứt phá trong thời gian tới. Nhất là khi đảo Ngọc đang ngày một khẳng định thương hiệu của điểm đến hạng sang tại châu Á. Sau giải thưởng quốc tế dành cho các khu nghỉ dưỡng, sư kiện “đám cưới triệu đô” của cặp đôi tỷ phú Ấn Độ - cô dâu Kaabia Grewal và chú rể Rushang Shah được tổ chức tại JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay vào tháng 3/2019 là cú hích mới nhất cho tham vọng “thăng hạng” thương hiệu điểm đến của Phú Quốc.
Kể từ khi JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay đặt dấu ấn nơi đảo Ngọc và sau đám cưới tỷ phú đình đám, xứ đảo thiên đường kỳ vọng sẽ có thêm dự án đẳng cấp khác để thu hút khách quốc tế, tiếp tục vươn mình trở thành điểm đến cao cấp, lựa chọn cho giới thượng lưu khắp châu lục và thế giới.